Sáng ngày 16/12/2024, tại hội trường của Trung tâm Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp đã tổ chức buổi họp báo sự kiện “Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM”. Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Lễ hội nông sản” từ ngày 20 đến ngày 22/12/2024 tại Trụ sở Văn Phòng Liên Cơ Quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa chỉ Số 12 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Từ trái qua: Ông Đỗ Văn Tiến, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ thương mại nông nghiệp; Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn Phòng Bộ, Trưởng cơ quan đại diện Bộ NN&PT NT; Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty Bảo Ngọc Sài Gòn.
Sự kiện được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung Ương; đơn vị thực hiện tổ chức là Cơ quan Văn phòng Bộ tại TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp và thực hiện bởi Công ty TNHH SX Quốc tế Bảo Ngọc. Sự kiện quy tụ sự tham gia của 60 gian hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao đến 5 sao với đa dạng các mặt hàng nông sản từ các vùng miền của Việt Nam.
Đây là sự kiện được tổ chức nhằm hỗ trợ các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có cơ hội mở rộng quảng bá thương hiệu, sản phẩm tiếp cận khách hàng; hỗ trợ phân phối và xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, sự kiện còn kết nối các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung trả lời câu hỏi của các phóng viên
Tại họp báo bà Nguyễn Thị Kim Dụng chia sẻ về những điểm nổi bật và khác biệt của sự kiện này: “Sự kiện diễn ra các hoạt động nhằm kích cầu tiêu dùng, thu hút khách tham quan Ban Lãnh đạo và Ban Tổ chức mua mở hàng cho các gian hàng vào lễ khai mạc, tổ chức phiên chợ mua sắm trực tuyến trong thời gian diễn ra sự kiện, biểu diễn các chương trình văn nghệ thời trang; giới thiệu quảng bá các mặt hàng OCOP tiêu biểu tại sân khấu chính,…”
Sự kiện OCOP được tổ chức lần này là một trong những chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; Là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, tạo ra các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hoá, phát triển dịch vụ; Tăng cường quản lý và giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; Hỗ trợ: Đào tạo, tiếp cận nguồn vốn; Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP; Hỗ trợ các tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa), sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; Giúp người dân được tiếp cận với các sản phẩm OCOP tiêu biểu, thay vì sử dụng các sản phẩm nhập khẩu, các thương hiệu quen thuộc trên thị trường. Nhằm kích cầu tiêu dùng, hưởng ứng truyền thống “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”; Quảng bá các sản phẩm OCOP tại các địa phương, các làng nghề đang dần mai một.